A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VUI TẾT TRUNG THU

Đến hẹn lại lên, khi sắc vàng bắt đầu đổ màu nhuộm từng tán lá, khi cơn gió bắt đầu se se lạnh, khi hương ổi, hương cốm, hương hoa sữa dần trở nên nồng nàn... ta mới chợt nhận ra, mùa thu đã về. Mùa thu tới còn gắn liền với một cái Tết dân gian mà ai ai cũng háo hức, đặc biệt là thiếu nhi đó chính là Tết Trung thu.

       Ngày hôm nay, không khí trung thu đã và đang rộn ràng trên khắp cả nước. Các bạn nhỏ vô cùng háo hức mong được phá cỗ trông trăng với ánh đèn lồng, bánh dẻo bánh nướng, xem múa lân và chơi những trò chơi dân gian thú vị … Nhằm mang lại niềm vui, đầy ắp tiếng cười cho mùa trung thu thêm ý nghĩa, ban thiếu niên trường Tiểu học Bần Yên Nhân số I đã tổ chức chương trình “Vui Tết trung thu” đầy màu sắc với nhiều hoạt động trải nghiệm lôi cuốn và hấp dẫn.

120

 

Trung thu là tết cổ truyền, là cơ hội để các em thêm đoàn kết, cùng nhau chia sẻ cảm xúc, để các em hiểu thêm về truyền thống dân tộc qua những phong tục lễ tết. Và đặc biệt hơn cả, ngày Tết Trung Thu đã thắt chặt tình cảm gắn bó, thương yêu của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh đối với các em học sinh. Tết Trung Thu là một ngày có ý nghĩa vô cùng đặc biệt  với Thiếu Nhi Việt Nam. Đến ngày hội trăng rằm hàng năm, các em háo hức được rước đèn, phá cỗ, được nghe lại truyền thuyết về Chị Hằng và Chú Cuội trên cung trăng.

Với các em học sinh  trường Tiểu học Bần Yên Nhân số I cũng vậy, Tết Trung Thu luôn là một ngày hội  tràn đầy niềm vui và những kỉ niệm đáng nhớ bên thầy cô, bạn bè và mái trường thân yêu. Trường Tiểu học Bần Yên Nhân số I đã tổ chức cho các em học sinh toàn trường một ngày trải nghiệm, ngày hội trăng rằm với nhiều hoạt động vui chơi  hấp dẫn, bổ ích, giàu tính truyền thống. Học sinh các lớp được giao lưu văn nghệ và các em còn được tham gia vào các trò chơi thú vị, đầy bổ ích.

     Mở đầu chương trình là tiết mục múa lân rất sôi nổi và cuốn hút.

     Tương truyền rằng việc múa lân trong dịp lễ Tết Trung thu là tập tục bắt nguồn từ sự tích Phật Di Lặc hạ phàm chế ngự lân bảo vệ dân lành. Ta vẫn thường thấy trong màn trình diễn múa lân có một ông bụng phệ, đầu hói, mặc áo dài sặc sỡ, tay cầm quạt mo, mang mặt nạ cười toe toét đi theo giỡn lân, giỡn khách xem múa, người ta hay gọi đó là ông Địa, đó chính là Đức Phật Di Lặc hoá thân thành để chế ngự con lân. Truyền thuyết kể vào thuở khai thiên lập địa, Lân là một con thú rất hung dữ, chuyên ăn thịt người và năm nào cũng xuất hiện phá phách vào mỗi dịp tết Trung Thu. Ông Địa lấy cỏ linh chi cho nó ăn và thu phục được nó, biến nó thành con thú hiền lành không còn quậy phá dân lành và chỉ biết ăn thực vật. Kể từ đó, hằng năm ông Địa lại dẫn lân đi vui Tết trung thu cùng mọi người và ban phước lành, may mắn, ấm no đến cho mọi nhà. Lân xuất hiện ở đâu thì ở đó tà ma bị loại trừ, nhân dân hạnh phúc, ấm no…

       Đêm rằm Trung thu với bữa tiệc phá cỗ linh đình không thể thiếu hình ảnh Chị Hằng - Chú Cuội. Tiết mục giao lưu giữa chị Hằng – chú Cuội với các bạn học sinh nhà trường đã mang lại nhiều tiếng cười và những bài học quý giá.

      Các bạn học sinh của trường Tiểu học Bần Yên Nhân số I còn được tham gia rất nhiều hoạt động ý nghĩa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong ngày Tết trung thu. Tất cả các chi đội và các lớp đều bày những mâm ngũ quả đẹp mắt, với đôi bàn tay khéo léo cùng sự hỗ trợ từ phía các bác phụ huynh và cô giáo chủ nhiệm, chắc chắn các bạn học sinh sẽ có thật nhiều khoảnh khắc đẹp và ý nghĩa về ngày Tết trung thu.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3
Tháng 05 : 77
Tháng trước : 533